Hiện nay, tình trạng nam và nữ kết hôn trước tuổi do pháp luật quy định vẫn đang diễn ra đặc biệt ở vùng miền núi vì ở đây cơ sở hạ tầng, chất lượng đời sống vẫn còn thấp, trình độ dân trí chưa tiếp cận được đến người dân.
- Tảo hôn là gì?
Theo khoản 8 điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình:
“Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình.”
Như vậy, tảo hôn là hành vi thuộc một trong 03 trường hợp sau:
– Nữ lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi.
– Nam lấy vợ khi chưa đủ 20 tuổi
– Nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi.
(Điểm a khoản 1 Điều 8: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên).
- Tảo hôn bị xử lý như thế nào?
a) Xử lý vi phạm hành chính
Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn như sau:
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
b) Xử lý vi phạm hình sự
Người có hành vi tổ chức tảo hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức tảo hôn được quy định tại Điều 183 Bộ luật Hình sự, cụ thể:
Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
- Trường hợp tảo hôn được công nhận vợ chồng
Theo khoản 2 Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
– Tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
– Hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân.
- Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật do tảo hôn
– Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
+ Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
+ Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
+ Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
+ Hội liên hiệp phụ nữ.
– Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định trên yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.
=> Để khắc phục tình trạng tảo hôn thì cần tuyên truyền cho người dân hiểu về các hậu quả của việc tảo hôn cũng như những lợi ích từ việc xóa bỏ nó. Chính quyền cùng người dân chung tay góp sức nâng cao dân trí, phổ biến pháp luật cũng như các bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm con cái trong vấn đề giáo dục sức khỏe sinh sản ở tuổi vị thành niên.